CÔNG TY TNHH OMICRON VIỆT NAM

OMICRON VIỆT NAM

Hotline:

0393331758

Tháng 8/2022, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đạt cao nhất
Tháng 8/2022, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đạt cao nhất

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 4,6 tỷ USD – cao nhất trong lịch sử ngành dệt may Việt Nam từ trước đến nay. Dù vây xuất khẩu 4 tháng cuối năm 2022 nhiều khả năng sẽ chậm lại, do cầu về hàng dệt may thế giới giảm bởi áp lực lạm phát trên toàn cầu tăng cao cùng với những biến động địa chính trị, chuỗi cung ứng vẫn chưa hồi phục… Tuy nhiên, xuất khẩu cả năm 2022 của Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu trên 43,5 tỷ USD.

Theo số liệu thống kê chính thức của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đạt 4,63 tỷ USD, tăng 8,38% so với tháng 7/2022 và tăng 38,00% so với tháng 8/2021. 

Hình: Diễn biến kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam (ĐVT: Tỷ USD)

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 31,91 tỷ USD, tăng 20,11% so với 8 tháng đầu năm 2021 và tăng tới 21,52% so với 8 tháng đầu năm 2019.   

Bảng 1: Tình hình nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022

Mặt hàng​ ​ ​Tháng 8/2022 ​ ​ ​8 tháng đầu 2022 ​ ​
Trị giá (Triệu USD) So với T7/2022 (%) So với T8/2021 (%) Trị giá (Triệu USD) So với 8T/2021 (%) So với 8T/2019 (%)
Tổng 4.631,5 8,38 38,00 31.911,0 20,11 21,52
Hàng may mặc 4.002,1 8,67 50,76 26.284,7 24,52 20,76
Xơ, sợi dệt 354,5 9,94 -26,31 3.452,0 -5,27 25,31
NPL dệt, may, da, giày 199,9 4,62 35,77 1.568,6 19,92 18,02
Vải kỹ thuật khác 75,1 -2,49 2,55 605,6 19,80 47,36

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Trong 8 tháng đầu năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đã từng bước hồi phục sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đưa kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 31,9 tỷ USD.

Tuy vậy, trong 4 tháng cuối năm, ngành dệt may sẽ đối diện với nhiều khó khăn mới, nhất là những biến động khó lường từ thị trường thế giới như xung đột quân sự Nga – Ukraine, giá năng lượng, lạm phát, tỷ giá USD/VND giảm, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường tại một số nền kinh tế…. Song ngành dệt may vẫn quyết tâm hướng tới mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt trên 43,5 tỷ USD và tiến độ xuất khẩu sẽ chậm lại trong những tháng đầu năm 2023 do một số yếu tố sau:

+ Lạm phát gia tăng và thắt chặt tài chính đã phủ bóng đen lên kinh tế toàn cầu đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, châu Âu, dẫn đến sự suy giảm nhu cầu toàn cầu kể từ quý II/2022.

Việc lạm phát tại Hoa Kỳ, EU tăng cao đang tác động tiêu cực đến xuất khẩu dệt may của các doanh nghiệp, bởi đây là hai thị trường truyền thống- chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu toàn ngành này.

+ Hiện nay cầu về hàng hóa của thế giới giảm mạnh do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao. Trong 6 tháng đầu năm 2022, lạm phát tăng tới 9% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng giá hàng hóa dệt may lại giảm 9%. Hàng hoá tồn kho tăng rất cao.

+ Bên cạnh đó, do kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, đồng tiền Việt Nam có giá trị cao, cho nên so tương quan xuất khẩu với các thị trường khác như Ấn Độ giảm 8% Trung Quốc 9% đồng nội tệ so với USD thì các ngành xuất khẩu Việt Nam lại mất lợi thế về giá trong điều kiện cầu thế giới chuyển thấp đột ngột.

Như vậy, hiện ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Doanh nghiệp dệt may còn phải chịu chi phí tăng tới 20 - 25% do giá nguyên, nhiên, phụ liệu từ đầu năm đến nay đã tăng rất nhanh, từ đầu năm đến nay, đồng nội tệ của nhiều quốc gia trong khu vực mất giá khá lớn so với USD gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, sau thời gian dài tập trung chống dịch và duy trì sản xuất ở mức có thể, nhiều doanh nghiệp dệt may đã rất khó khăn về vốn cho sản xuất kinh doanh, trong khi các gói hỗ trợ được Quốc hội thông qua 350 nghìn tỷ đồng chậm được triển khai, chính sách thuế, nhất là việc hoàn thuế của Nhà nước cho doanh nghiệp rất chậm, khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn.

Trước những khó khăn, thách thức trên, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may, tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung; có công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh để thu hút đầu tư khâu dệt nhuộm, giải quyết điểm nghẽn về vải cung cấp cho may xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế từ các FTA.  Hiệp hội cũng đề nghị bỏ quy định nộp thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa dùng để sản xuất xuất khẩu nhằm hạn chế tình trạng đọng vốn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến cơ chế thanh toán, vận chuyển, chứng từ… cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cũng cần được tháo gỡ nhằm hỗ trợ phần nào khó khăn cho các doanh nghiệp.

Tin liên quan

Tháng 8/2022, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đạt cao nhất

Zalo
Hotline tư vấn miễn phí: 0393331758